Thế kỷ 21 mà giảng viên của thế kỷ... 20
Sinh viên thế hệ i nói giảng viên chưa... i, còn một giáo sư Singgapore ví giảng viên Việt Nam sống ở thế kỷ 21 mà lại là người của thế kỷ 20.
Sinh viên thế hệ i mong muốn có môi trường học tập hiện đại có thể học tập qua mạng internet. Ảnh: Trần Huỳnh |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dẫn lời một giáo sư Singapore nhận xét thực trạng hiện nay của các trường ĐH Việt Nam: “Chúng ta đang có một thế hệ sinh viên của thế kỷ 21, thầy giáo của thế kỷ 20 và giảng đường, cơ sở vật chất của trường ĐH ở thế kỷ 19"!.
Chậm nhất là giảng viên trên 40 tuổi?
Ông Dũng thừa nhận thực tế sinh viên thay đổi nhanh vì quen dùng mạng và sử dụng công nghệ thành thạo, còn giảng viên thay đổi chậm nhất là các giảng viên trên 40 tuổi.
Theo ông Dũng, giảng viên cũng phải thường xuyên lên mạng, vào trang dạy số để chat, trao đổi với sinh viên và chấm bài trên mạng, thì mới thích ứng với sinh viên.
Bạn Hồng Ngọc (sinh viên ngành Kế toán, ĐH RMIT) nhận xét có những giảng viên lớn tuổi, việc thích ứng với công nghệ hiện đại là một chuyện khó khăn. Giáo viên trẻ, năng động thì họ có thể sử dụng internet để phục vụ việc soạn giáo án, giao bài, chia công việc và quản lý lớp dễ dàng hơn như một phần căn bản của công nghệ để đơn giản hóa việc dạy học.
Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm cuối khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận xét: "Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên vẫn chưa phù hợp, vẫn còn sử dụng tài liệu photo và cho sinh viên kiểm tra, thi cử bằng hình thức viết tay, cũng như chưa quan tâm đúng mức đối với các trường hợp đạo văn trên internet".
Cần một môi trường học tập khác
Giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy phát huy các công cụ phổ biến hiện có. Sinh viên “thế hệ i” phải có kỹ năng tìm tài liệu tốt, kỹ năng nghe tiếng Anh tốt, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, thái độ đúng đắn với việc tham khảo/trích dẫn... Từ đó mới có thể tiếp cận thị trường lao động AEC tốt hơn. |
ThS NGUYỄN VĂN TOÀN - giảng viên khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Cũng theo bạn Phương, hiện nay, điều kiện học tập của các trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên "thế hệ i".
Bạn ví dụ mạng wifi quá yếu, không phục vụ được việc tìm kiếm thông tin và học tập của các sinh đang sinh hoạt tại trường; thư viện điện tử chưa được phổ biến tối đa và chưa đầy đủ bằng thư viện thực, chưa có những phần mềm chuyên dụng cho việc giảng dạy và học tập thông qua các thiết bị thông minh và internet.
ThS Trịnh Xuân Thắng, giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV, Cần Thơ cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong giáo dục, đào tạo ĐH thời gian qua như năng lực tự học của sinh viên còn kém, sinh viên còn yếu về kỹ năng thực hành nghề nghiệp…, là do những yếu kém trong chất lượng, trong việc quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường ĐH.
Thực tế nhiều trường có phòng học nhưng thiếu trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đại diện Trường ĐH Mỏ địa chất Hà Nội cho biết không chỉ thiếu phòng học, trường này còn không có phòng chuyên dung phục vụ hội thảo quốc tế; các phòng học, giảng đường hầu như không có phương tiện kỹ thuật (máy tính, máy chiếu, video…). Cả trường chỉ có 300 máy tính, trung bình 40 sinh viên/máy và chỉ khoảng 50% số máy tính này được nối mạng internet. Cả trường chỉ có ba phòng học đa năng loại nhỏ.
PGS.TS Lê Khắc Cường - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói sinh viên cần một môi trường học tập khác với thế hệ cha ông, môi trường trực tuyến và cổng thông tin điện tử, với những phần mềm chuyên dụng, thư viện số, với cách nộp bài làm/bài thi/bài kiểm tra trực tuyến, với việc sử dụng hệ thống phát hiện những bài kiểm trả/bài thi/luận văn/luận án đạo văn hoặc trích dẫn trái quy định, mập mờ…
“Các trường ĐH, người làm công tác giáo dục buộc phải chấp nhận cái khác và phải có những thay đổi phù hợp hơn như xây dựng cách dạy và học e-learning. Sinh viên có thể tiếp xúc thông tin bên ngoài nhiều hơn nên ngoài chuyên môn, họ rất cần có năng lực nhận biết cái hay và cái chưa hay, sinh viên cần có bản lĩnh tự chủ trước những cám dỗ, cần nhiều kỹ năng và cả ngoại ngữ” - TS Hồ Thu Hiền nói.
Thách thức của trường đại học
Bạn Hồng Ngọc, học ngành Kế toán, ĐH RMIT nhận định việc giới trẻ tiếp xúc nhiều hơn, thành thạo hơn với công nghệ sẽ trở thành thách thức với các trường đại học.
"Bởi khi đăng kí chọn trường, tiêu chí về môi trường học, cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy nào năng động, thực tiễn và chuyên môn hóa cao nhất sẽ thu hút sinh viên nhất. Việc học đại học ngày nay quan trọng khi ra trường không phải là tấm bằng mà là làm được việc dù ở bất kì môi trường doanh nghiệp nào" - Ngọc nói.
Bạn Phạm Thị Phong (SV năm 4, khoa Báo chí, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) đề xuất một số giải pháp như: Xây dựng phầm mềm dạy học các môn học trên đĩa CD - ROM phục vụ cho việc tự động học trên máy tính; xây dựng bài giảng điện tử tạo Web- site trên mạng phục vụ dạy học trực tuyến; Mô phỏng các thí nghiệm ảo, phòng thí nghiệm ảo, phòng thực hành ảo trên máy tính phục vụ học tập; thiết kế bài giảng điện tử bằng các phần mềm mô phỏng trên máy tính nhằm hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy truyền thống
|
0 nhận xét