Miếng ăn làm nóng nghị trường
“Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại”.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh (Q.Tân Bình) góp ý về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII khai mạc ngày 8-12 - Ảnh: Tự Trung |
Đại biểu Võ Văn Sen (Q.Gò Vấp) nói như vậy. Đây cũng là vấn đề nóng nhất tại phiên thảo luận chiều 8-12, trong đó có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng HĐND TP.HCM cần cân nhắc đến việc ra nghị quyết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xử lý thích đáng người sản xuất, cung ứng thực phẩm bẩn
Không hẹn mà gặp, có đến 7 ý kiến đại biểu tại phần thảo luận ở tổ 4 bày tỏ bức xúc, bất an về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại biểu Trịnh Xuân Thiều nói: “Hơn lúc nào hết, người dân TP đang quan tâm và bất an vô cùng về chất lượng thực phẩm. Cử tri nói với tôi bây giờ có thông tin hàng siêu thị cũng có cái kém chất lượng nên không biết tin vào đâu nữa”.
Tại tổ 3, đại biểu Võ Văn Sen gay gắt: “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Trong số hàng chục tấn rau đưa vào TP mỗi sáng, có bao nhiêu tấn mình chắc chắn được là sạch?
Có những chương trình sau 5 năm thực hiện đã có sự chuyển biến mạnh, còn an toàn vệ sinh thực phẩm thì không ổn. Tôi nghĩ đây cũng là điểm yếu nhất, thất bại lớn nhất của HĐND TP”.
Đồng tình với cách đặt vấn đề thẳng thắn đó, ông Nguyễn Hoàng Minh (đại biểu Q.Tân Bình) lý giải nguyên nhân:
“Tôi cảm nhận rằng vấn đề quản lý nhà nước hầu như chúng ta không kiên quyết, thật sự là tôi cũng thấy bức xúc. Chúng ta làm không căn cơ để kiểm soát được”.
Đại biểu Trần Ngọc Hưng góp ý: “Muốn làm rau sạch, thịt sạch thì chi phí lớn hơn, năng suất thấp hơn. Nếu Nhà nước không hỗ trợ, để nông dân tự bơi thì người sản xuất thực phẩm sạch khó lòng cạnh tranh nổi”.
Chia sẻ với đại biểu nỗi lo này, ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng quan trọng nhất là phải làm sao tạo được những điểm bán hàng an toàn để người dân an tâm.
Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, cho biết để có thực phẩm an toàn, cần nhất là phải tạo được nguồn hàng an toàn và ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc.
Ông Nhân dẫn chứng hàng hóa thực phẩm muốn vào hệ thống Co.op Mart ít nhất phải chịu 3 đợt kiểm tra: kiểm tra từ vùng nguyên liệu sản xuất, khi hàng vào kho và kiểm tra tại điểm bán.
“Muốn biết sản phẩm nhiễm hóa chất gì, bằng cảm quan người dân không thể phân biệt được mà phải đem kiểm nghiệm. Người dân nên đến những điểm tin cậy như siêu thị để mua hàng” - ông Nhân khuyến cáo.
Theo ông Võ Văn Sen, một giải pháp quan trọng là đưa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ra khỏi ngành y tế, lập một cơ quan riêng biệt trực thuộc UBND TP. Bởi ngành y tế có quá nhiều việc, không thể nào làm hết được.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh thì cho rằng nơi nào sản xuất, cung ứng những chất độc hại phải có hình phạt thích đáng. Những vụ án đó có thể đưa ra xét xử như vụ án điểm, như vậy sẽ tích cực ngăn chặn được những người không có lương tâm.
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho biết thời gian qua, chi cục trực tiếp kiểm soát những vùng trồng rau trên địa bàn TP, lấy gần 1.000 mẫu để phân tích thì chỉ có 8 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu.
Việc lấy mẫu kiểm tra hoàn toàn khách quan, đột xuất. Riêng các mẫu rau củ bày bán tại các siêu thị cũng được chi cục kiểm tra, trong số 700 mẫu kiểm tra chỉ có 8 mẫu vi phạm.
Khi nào dân hết “mù” thông tin quy hoạch?
Đây là câu hỏi cũng được nhiều đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận. Đại biểu Cao Thanh Bình cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ, ở địa bàn nào người dân cũng “kêu” về quy hoạch, không nắm rõ thông tin quy hoạch đến đâu, chừng nào xóa treo”.
Là trưởng Phòng dân nguyện của HĐND TP, ông Bình nói việc “mù” thông tin quy hoạch làm cho nhiều người dân gặp thiệt hại vì không hình dung được ngôi nhà, con hẻm của mình sẽ quy hoạch kiểu gì.
Thậm chí có người dân mua đất xong vẫn chưa rõ con đường trước nhà mình đã được điều chỉnh quy hoạch.
Ông Bình đề nghị: “Việc công khai quy hoạch chưa sâu, khó nắm bắt được thông tin quy hoạch. Việc này được phản ảnh nhiều lần trong các kỳ họp nhưng tới nay nhiều địa phương chưa chấn chỉnh, chưa thật sự công khai đến người dân. Sở Quy hoạch - kiến trúc cần có biện pháp thông tin, phổ biến, tuyên truyền quy hoạch”.
Theo đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa, hiện còn 19 dự án quy hoạch của TP chưa được rà soát, đánh giá lại, khiến người dân rất hoang mang, không biết nhà mình đang ở, đất đang canh tác sắp tới sẽ ra sao.
Đại biểu Nghĩa kiến nghị ngoài việc công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy hoạch cho dân thì cần thực thi cụ thể quy định của pháp luật, nói rõ cho dân biết trong thời gian bao lâu không thực hiện quy hoạch dự án sẽ bị thu hồi.
Có mặt tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, thừa nhận người dân chưa nắm được tất cả thông tin quy hoạch. Ông Toàn khẳng định sắp tới thông tin quy hoạch sẽ được công bố tới từng tổ dân phố.
“Phải làm sao để người dân không có nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản vẫn biết tất cả thông tin quy hoạch” - ông Toàn nói.
Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng nói vừa qua sở đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng cấp kinh phí để áp dụng công nghệ thông tin trong việc công bố các thông tin quy hoạch, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Xe buýt, chuyện dài “nói mãi”
Câu chuyện xe buýt ở TP.HCM lại được các đại biểu đem ra mổ xẻ. Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu (chủ tịch UBND Q.12) cho rằng mô hình quản lý xe buýt của TP.HCM đang ngược với một số địa phương.
Nhiều nơi xe buýt giờ tốt, tuyến tốt thì ưu tiên cho tư nhân, nhưng ngược lại ở TP.HCM những tuyến xe buýt đắt khách nhất lại ưu tiên cho các đơn vị của Nhà nước.
Ông Hiếu đề nghị xã hội hóa, đấu thầu các tuyến xe buýt có tuyến tốt, giờ tốt và nếu có nhiều người tham gia đấu thầu thì có thể khẳng định rằng là các tuyến này có lãi.
Bàn về hiệu quả hỗ trợ xe buýt của TP, đại biểu Lâm Thiếu Quân nói:
“Hằng năm TP tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng cho trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ. Thế nhưng trong báo cáo kinh tế - xã hội của TP, trong phần nhiệm vụ, giải pháp năm 2016 tôi vẫn thấy tiếp tục trợ giá mà không kèm theo bất cứ giải pháp nào để nâng chất lượng?”.
Giải thích vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết thời gian vừa qua có kiểm tra lại hiệu quả trợ giá xe buýt. Nếu như năm 2014 trợ giá 40%, năm 2015 mức trợ giá chỉ còn 35%, tổng số tiền trợ giá xe buýt năm 2015 là 1.180 tỉ đồng (theo dự toán).
Tuy nhiên trên thực tế TP chỉ sử dụng khoảng trên 900 tỉ đồng. Tới đây sẽ quy hoạch lại các tuyến xe buýt, đầu tư thay thế những xe buýt cũ và có hướng thay đổi hình thức trợ giá từ trợ giá gián tiếp cho nhà xe chuyển sang trợ giá trực tiếp cho hành khách.
Theo HĐND TP, ngân sách chi trợ giá xe buýt rất lớn nhưng mục tiêu giảm ùn tắc, giảm xe cá nhân chưa đạt được do mô hình trợ giá còn bất cập.
HĐND TP đề nghị UBND chỉ đạo việc trợ giá xe buýt trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thông qua hệ thống thẻ thông minh, đồng thời rà soát sắp xếp lại các luồng tuyến, xóa các tuyến trùng lắp, tổ chức triển khai đấu thầu luồng tuyến, nghiên cứu lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp vận tải hành khách phù hợp và rà soát cắt bỏ các khoản chi không hợp lý.
Chỉ tiêu thu ngân sách tăng hơn 11%
Trong phiên khai mạc, ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách TP năm 2014, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2015 và phân bổ ngân sách năm 2016.
Sang năm tới chỉ tiêu dự toán về tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP là 298.300 tỉ đồng, tăng 11,32% so với năm 2015.
HĐND TP cho rằng về các khoản chi, UBND TP cần quan tâm đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa chi đầu tư và chi thường xuyên.
“Đề nghị UBND TP có kế hoạch lộ trình việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên, quan tâm bố trí tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, phải tăng quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, điều chỉnh chi bám sát dự toán được duyệt, đúng thẩm quyền” - ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh.
|
0 nhận xét