Việc công bê trễ thì phải thay người

Làm sao để thực thi công vụ một cách mạnh mẽ và hiệu quả là vấn đề được Tuổi Trẻ đặt ra trong diễn đàn tuần này. 
Việc công bê trễ thì phải thay người
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương
Các chuyên gia đã tham gia phân tích, mổ xẻ vấn đề, hầu hết đều đề nghị cần có sự quyết liệt hơn nữa một khi luật đã có và cũng đã dư những lời kêu gọi.
* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực ủy ban đối ngoại của Quốc hội, nguyên chánh thanh tra Bộ Nội vụ):
Cứ dĩ hòa vi quý thì 
tạo ra cái nếp
Nhiều ý kiến cho rằng phải kỷ luật nghiêm minh, đề xuất này xuất phát từ thực tế lâu nay ý thức trách nhiệm kém của nhiều cán bộ, công chức, nói không ai nghe, cứ diễn thuyết, cứ khuyên nhủ cũng không ai nghe, cho nên phải bằng biện pháp mạnh là xử lý kỷ luật, qua đó nhiều người sợ.
Trên báo chí hay dùng từ “trảm tướng”, thật ra là cho thôi việc, cho nghỉ việc. Biện pháp đó có hiệu quả nhưng chỉ là một biện pháp, không phải là tất cả.

Ở nước ngoài đã quy ước với nhau là tôi và anh làm việc qua email, khi tôi gửi văn bản thì anh phải có trách nhiệm kiểm tra mail đó và phải hoàn thành công việc trong thời hạn theo quy định.
Nếu hết thời hạn mà anh nói rằng không nhận được email của tôi thì anh phải nghỉ việc. Rất sòng phẳng như thế.
Cho nên người công chức phải hiểu chức trách và nhiệm vụ của mình một cách hết sức chi tiết, anh phải kiểm tra email và nếu thấy có vấn đề gì đó thì báo cáo trong thời hạn, hết thời hạn là anh phải xong việc.
Còn ở ta, tôi từng làm thủ trưởng nên có nhiều trải nghiệm, gửi văn bản cho cấp dưới rồi không thấy ý kiến gì cả, gọi điện thì bảo là quên chưa kiểm tra.
Trong quá trình làm việc thì cấp trên cứ phải thúc giục cấp dưới là làm nhanh lên, đây là việc cần xong sớm. Nghĩa là chúng ta cứ dễ dãi với nhau, dĩ hòa vi quý tạo ra một cái nếp.
Cái cần nhất bây giờ là chúng ta phải xác định rõ ràng các nguyên tắc trong công vụ, ý thức trách nhiệm đi liền với các nguyên tắc trong công vụ thì mới có sự chuyển động.
* Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên đại biểu Quốc hội):
Đừng vô cảm với dân!
Các mối quan hệ xã hội phần lớn đều được điều chỉnh bởi luật pháp, và các cán bộ công chức nhà nước là những người đại diện cho Nhà nước để làm những công việc được phân công theo trách nhiệm của mỗi người.
Việc thực thi công việc này không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm. Nghĩa vụ và trách nhiệm này cũng được điều chỉnh bằng luật.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải lúc nào cán bộ công chức cũng thực thi công vụ một cách công tâm và tuân thủ pháp luật. Tôi nhớ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói “doanh nghiệp có gì cần thì gọi tôi”.
Chính quyền cấp cao còn nhiệt tình với dân đến vậy, tại sao nhiều cán bộ công chức, chính quyền địa phương lại xa rời dân chúng đến thế?
Pháp luật là để phục vụ đời sống của người dân chứ không phải đẩy người dân vào đường cụt. Ông bà mình nói con giun xéo lắm cũng quằn thì đừng dùng cái chân tường hay xéo giun đến quằn. Pháp luật không để dồn dân như thế và người thực thi công vụ cũng đừng làm việc đó.
Việc công bê trễ thì phải thay người
Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh: Việt Dũng
* Ông Trần Ngọc Vinh 
(ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Chế tài thật mạnh 
để răn đe
Ở TP.HCM vừa qua có chuyện hai tuyến đường bị xe khách đậu mất trật tự nhiều năm qua, sau diễn biến từ một tin nhắn chuyển tiếp của lãnh đạo TP.HCM thì khắc phục trong vài ngày. Đây là một vấn đề trong thực thi công vụ ở nước ta.
Rõ ràng việc quản lý giao thông đường bộ là có ngành dọc từ trung ương xuống địa phương, phân cấp rõ ràng, trên địa bàn thì có bộ máy chính quyền với đầy đủ các phòng ban, đầy đủ các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, vậy mà cứ phải dân kêu, báo chí phản ánh, cấp trên đốc thúc thì mới chịu giải quyết.
Trách nhiệm công vụ của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải, của chính quyền địa phương ở đâu?
Nhìn rộng ra thì chuyện xe khách dừng đỗ bát nháo, gây mất trật tự, thậm chí nguy hiểm cho giao thông đô thị không phải chỉ riêng TP.HCM đâu, cử tri phản ảnh với chúng tôi chuyện này phổ biến ở nhiều nơi. Ai cũng biết, chỉ có điều là ai sẽ làm thôi.
Tôi cho rằng một trong những phương thức tốt để thúc đẩy thực thi công vụ hiện nay là chế tài thật mạnh để răn đe, cứ việc công bê trễ thì thay ghế. Tất nhiên chúng ta đồng thời tiến hành nhiều giải pháp khác nhau với mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn.
Việc công bê trễ thì phải thay người
Ông Diệp Văn Sơn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ông Diệp Văn Sơn (chuyên gia cải cách hành chính):
Sát hạch định kỳ 
công chức
Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyển dụng, thi tuyển, chăm lo điều kiện sống, điều kiện làm việc tương xứng, cần phải đặt công chức trong một hệ thống công nghệ quản lý hành chính tiên tiến (ví dụ: ISO-9000) và quan trọng hơn là phải thực thi nghiêm Luật cán bộ công chức, đề án cải cách hoạt động công vụ và xác định vị trí việc làm cho từng công chức.
Có như vậy mới hạn chế công chức để họ không thể và không dám có hành vi sai trái...
Trong các nội dung của hệ thống quản lý, sử dụng công chức và điều hành nền công vụ thì lâu nay khâu kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm là khâu yếu nhất trong cả hệ thống.
Chính vì vậy trong giai đoạn trước mắt cần tăng cường thanh tra công vụ, mạnh tay xử lý vi phạm. Phải năng “vi hành”, thanh tra, kiểm tra đến khi nào lập lại được kỷ cương để bộ máy vận hành trong suốt và thông suốt.
Đồng hành với cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra còn có một lực lượng hùng hậu chính là tai mắt nhân dân, là đối tượng bị nhũng nhiễu cần phải tham gia việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát. Bên cạnh đó cần bổ sung chế định “sát hạch định kỳ cán bộ công chức”.
Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới đánh giá, loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm đúng người đúng việc một cách khẩu phục tâm phục. Công chức phải có vào có ra, có lên có xuống.
Việc công bê trễ thì phải thay người
Ông Terry F.Buss - Ảnh: Q.Trung

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.