Hãy cứu lấy cây xanh Sài Gòn!

Trong buổi họp báo ngày 23/3 của Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, ông Hoàng Như Cương – Phó ban đã công bố quyết định chặt hạ và di dời 300 cây xanh trên tuyến đường Tôn Đức Thắng.

Biểu tình phản đối chặt cây xanh tại đường Tôn Đức Thắng. Sài Gòn 27/03/2016. Ảnh: Đức Minh
Biểu tình phản đối chặt cây xanh tại đường Tôn Đức Thắng. Sài Gòn 27/03/2016. Ảnh: Đức Minh
Trong đó có 16 cây phải chặt hạ & di dời do nằm trong hạng mục xây dựng nhà ga Ba Son (dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên), số cây còn lại (284 cây) phải chặt hạ và di dời thuộc dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP cho biết đã có những đánh giá kỹ lưỡng, qua đó họ đồng ý với phương án xử lý số cây như đề xuất của Ban quản lý đường sắt đô thị.
Ông Đồng Văn Khiêm – Phó chủ tịch Hội đồng phản biện xử lý cây xanh cho biết dù rất “xót xa” nhưng không thể để lại những cây này bởi ngoài việc vi phạm các hạng mục của nhà ga thì loài cây này còn thuộc danh mục cấm trồng mới trên đường phố.
Việc đốn hạ, di dời 16 cây xà cừ (sọ khỉ) nói trên sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 26/3 đến ngày 7/5, trong đó giai đoạn 1 (26-30/3) đốn 5 cây di dời 3 cây; giai đoạn 2 (5-9/4) đốn 4 cây; giai đoạn 3 đốn 3 cây, di dời 1 cây.

Chúng tôi, những cư dân đang sinh sống ở Sài Gòn kiên quyết phản đối hành động này của Ban quản lý Đường sắt Đô thị, Công ty Công viên Cây xanh và hành động tiếp tay của Hội đồng phản biện xử lý cây xanh. Bởi vì:
  1. Cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng đã có tuổi đời hàng trăm năm. Không thể vì một công trình có tuổi đời dưới 100 năm như tuyến đường sắt đô thị, cầu Thủ Thiêm 2 mà chặt phá hàng cây quý giá này. Không thể đánh đổi lá phổi xanh của Thành phố để lấy những cục bê tông xù xì.
  2. Xây dựng công trình công cộng phục vụ phúc lợi xã hội là điều khuyến khích, nên làm. Nhưng cần phải tính toán khéo léo cho phù hợp với lợi ích chung của toàn dân. Chặt phá và di dời 300 cây xanh không phải là biện pháp duy nhất. Việc cấm trồng mới cây sọ khỉ (xà cừ) này không đồng nghĩa với việc chặt bỏ nó.
  3. Bài học lớn về chặt phá hàng ngàn cây xanh ở Hà nội nói riêng, hàng ngàn hecta rừng nước ta nói chung cần phải được các cơ quan hữu quan nghiêm túc xem xét lại. Đặc biệt trong tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long như hiện nay, chúng tôi cho rằng một phần là do rừng đã bị tàn phá không thương tiếc.
Chỉ bằng 3 lý do chính nêu trên, chúng tôi, những người đăng nội dung này yêu cầu các tổ chức được nêu tên ở trên dừng ngay hoạt động chặt hạ và di dời cây xanh tại đường Tôn Đức Thắng. Chúng tôi cần một giải pháp tiếp tục xây dựng nhà ga, làm cầu và không chặt phá cây xanh.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.