Thiệt hại trăm tỉ vụ sập cầu Ghềnh, ai phải bồi thường?
Theo luật sư Trương Xuân Tám, ông Phan Thế Phượng - chủ chiếc sà lan đầu kéo đã tông sập cầu Ghềnh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vụ tai nạn này.
Cầu Ghềnh bị sập hai nhịp sau cú tông của sà lan trưa 20-3 - Ảnh Tuổi Trẻ |
Theo thông tin mới nhất từ công an tỉnh Đồng Nai, hiện Công an đã di lý 3 người gồm chủ sà lan và hai tài công - đã bị bắt khẩn cấp trong vụ sập cầu Ghềnh từ Sóc Trăng về Đồng Nai để tiếp tục làm việc, xem xét ra quyết định khởi tố bị can.
Ba người liên quan bị bắt khẩn cấp khi bỏ trốn tại tỉnh Sóc Trăng gồm chủ phương tiện (tàu kéo sà lan) Phan Thế Thượng (62 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận, TP.HCM), hai tài công là Trần Văn Giang (35 tuổi, quê Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Bạc Liêu).
Trước đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Vấn đề dư luận quan tâm là trách nhiệm của chủ tàu và hai tài công có liên quan trong vụ tai nạn đường thủy được xác định là đặc biệt nghiêm trọng này sẽ bị xử lý ra sao? Trách nhiệm đền bù thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ mà vụ sập cầu này gây ra, đặc biệt cho ngành đường sắt sẽ do ai bồi thường?
Chủ phương tiện “nặng tội” hơn tài công
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc cho biết căn cứ những thông tin ban đầu thì có thể thấy khả năng hai tài công sẽ bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo Điều 212 Bộ luật hình sự.
Trong đó, có những tình tiết định khung tăng nặng là không có giấy phép điều khiển phương tiện, gây tai nạn rồi bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (theo khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự).
Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (như vụ sập cầu Ghềnh này, dù không gây thiệt hại về người) thì bị cáo có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo khoản 3 Điều 212 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Qua các thông tin trên báo về liên quan hành vi của chủ sà lan, đối với chủ phương tiện (tàu kéo sà lan) sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi. Cụ thể, một là hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 Bộ luật hình sự bởi đầu kéo sà lan đã hết thời hạn kiểm định.
Thứ hai là hành vi “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đương thủy” theo Điều 215 Bộ luật hình sự bởi lời khai của chủ tàu này thì ông đã biết rõ cả hai tài công đều chưa có bằng lái nhưng vẫn giao cho tàu cho họ lái.
Hậu quả là khi điều khiển sà lan cát đến gần chân cầu Ghềnh thì gặp phải dòng nước xoáy, máy không hoạt động, lái tàu và lái phụ không điều khiển được nên đã để cho sà lan đâm vào trụ cầu gây tai nạn.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, đối với hành vi “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn, trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 214). Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 214 Bộ luật hình sự)".
Đối với hành vi “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đương thủy trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo khoản 2 Điều 215 Bộ luật hình sự".
Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo khoản 3 Điều 215.
Chủ tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường
Phân tích quy định pháp luật về việc bồi thường thiệt hại trong vụ sập cầu này, luật sư Tám cho rằng chủ phương tiện sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo Điều 622 Bộ luật dân sự, quy định về “Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”.
Sau khi bồi thường thì chủ phương tiện có quyền yêu cầu người lái (hai tài công) phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp chủ phương tiện có mua bảo hiểm thì phía bảo hiểm sẽ chi trả tuỳ theo các loại và các điều khoản thỏa thuận, mức mua bảo hiểm của người mua theo hợp đồng bảo hiểm.
Khi tiền bảo hiểm vẫn không đủ bồi thường (thấp hơn giá trị thiệt hại) thì cá nhân chủ sà lan có trách nhiệm tiếp tục bồi thường cho khoản tiền thiệt hại còn lại.
Cơ sở đánh giá hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án
Theo luật sư Tám, đánh giá hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được xác định theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013. Cụ thể, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả khác theo quy định
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả khác theo quy định
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỉ lệ thương tật của những người này trên 200%.
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
|
0 nhận xét