Nhân Quyền là gì?(PHẦN III)
NHỮNG
ĐÓNG GÓP CỦA MỸ
Mỹ đóng vai trò đặc biệt trong việc phát triển và ủng
hộ các ý tưởng và thực tiễn về nhân quyền. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 theo đó
các thuộc địa Mỹ tuyên bố tách khỏi nước Anh, khẳng định rằng “mọi người sinh
ra đều có quyền bình đẳng”. Quan trọng không kém, Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng
định quyền của người dân được phá bỏ những ràng buộc chính trị áp bức. Với Hiến
pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ, thế giới lần đầu tiên chứng kiến thử
nghiệm trên thực tế việc xây dựng một chính phủ mà sự vận hành của nó được đánh
giá dựa trên mức độ tôn trọng và bảo vệ các quyền của người dân. Do vậy, các
quyền được người Mỹ coi là một đặc điểm trong di sản quốc gia của họ. Những
người Mỹ đầu tiên không nói đến “nhân quyền” mà nói đến tự do và các quyền tự
do. Rất nhiều trong số những người dân thuộc địa đầu tiên đến Tân Thế giới để
tìm kiếm quyền tự do tôn giáo của họ đã bị tước bỏ ở châu Âu thế kỷ XVII. Khi
hình thành các cộng đồng, qua thời gian họ đã phát triển ý thức về sự khoan
dung tôn giáo và mong muốn xây dựng chính quyền tự trị. Khi thời gian đã chín
muồi để những người dân thuộc địa Mỹ tách khỏi nước Anh thì lúc đó họ đã xây
dựng được luật và các tập quán công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do hành đạo
và tự do lập hội. Quyền kiến nghị chính phủ, quyền có bồi thẩm đoàn và có tiếng
nói trong việc quản lý những vấn đề của chính họ là những quyền khác mà họ đã
nuôi dưỡng, ấp ủ. Tât cả những quyền này là những giá trị trụ cột trong Tuyên
ngôn Độc lập năm 1776, một đoạn sẽ được trích dưới đây. Tác giả chính của Tuyên
ngôn Độc lập, Thomas Jefferson, sau này trở thành tổng thống thứ ba của nước
Mỹ.
“Sự
thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ
những quyền không ai có thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do
và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ phải do
dân bầu ra, quyền lực là quyền lực của nhân dân. Nếu chính phủ nào hủy hoại
những mục tiêu này thì người dân có quyền thay đổi hoặc lật đổ chính phủ và
hình thành nên chính phủ mới, dựa trên những nguyên tắc và tổ chức quyền lực
theo hình thức mà người dân cho là chắc chắn sẽ đảm bảo được sự an toàn và hạnh
phúc của họ.
Tuyên
ngôn nhân quyền
Năm 1787, đại diện của 12 trong số 13 bang đầu tiên đã
gặp nhau ở Philadelphia, bang Pennsylvania, để soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Họ đã
soạn thảo một văn kiện về nền dân chủ thỏa hiệp và đại diện, phù hợp với những
thay đổi trong suốt hơn 200 năm. Rất nhiều người lúc đầu phản đối Hiến pháp
mới. Họ chỉ chấp thuận văn kiện này nếu một loạt điều bổ sung đảm bảo các quyền
tự do dân sự – những quyền tự do đã được quy định trong hầu hết hiến pháp các
nước – được thêm vào Hiến pháp. Do vậy, 10 điều bổ sung dưới đây, được gọi là
Tuyên ngôn Nhân quyền, đã được đưa vào Hiến pháp năm 1791. Kể từ khi Tuyên ngôn
Nhân quyền được đưa ra, Hiến pháp Mỹ chỉ có thêm 17 điều sửa đổi bổ sung nữa.
Điều
bổ sung sửa đổi I - Quốc
hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự
do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và
kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Điều
bổ sung sửa đổi II - Xét
thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh
của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không
bị vi phạm.
Điều
bổ sung sửa đổi III - Không
một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu
không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo qui
định của luật pháp.
Điều
bổ sung sửa đổi IV - Quyền
của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự
khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào
được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận,
đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.
Điều
bổ sung sửa đổi V - Không
một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa
khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường
hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi
hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không
một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân
thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một
vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một
quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào
việc công mà không được bồi thường thích đáng.
Điều
bổ sung sửa đổi VI - Trong
mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh
chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi
tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông
báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại
mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của
luật sư bào chữa.
Điều
bổ sung sửa đổi VII - Trong
những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, thì
quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào
đãđược Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào
của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.
Điều
bổ sung sửa đổi VIII - Không
đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt
quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
Điều
bổ sung sửa đổi IX - Việc
liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp
những quyền khác của người dân.
Điều
bổ sung sửa đổi thứ X - Những
quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với
các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.
Các
vấn đề về nhân quyền
Dĩ nhiên trong di sản Mỹ cũng có những mảng tối. Chế
độ nô lệ được chấp nhận ở các bang miền Nam trong suốt 75 năm đầu tiên của nền
Cộng hòa Mỹ. Tình trạng phân biệt chủng tộc tại các trường học, các khu công
cộng và định kiến xã hội là những vấn đề nổi cộm trong suốt thế kỷ thứ hai.
Người Mỹ bản địa bị buộc phải di chuyển về phía tây.
Họ bị mất nhà cửa, đất đai và nhiều khi còn mất mạng.
Phụ nữ không được quyền bầu cử, không được tham gia bồi thẩm đoàn, thậm chí
không có quyền sở hữu tài sản trong vai trò người vợ. Tuy nhiên, một trong
những đặc điểm của nền dân chủ Mỹ là các cơ chế tự điều chỉnh bầu cử và các tòa
án đều có xu hướng sửa chữa những sai lầm của những thời kỳ trước. Riêng ý
tưởng bình đẳng cũng đã giúp giải quyết các tệ nạn xã hội.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã ủng hộ một số
chế độ quân sự độc tài tàn bạo thông qua hỗ trợ tài chính và quân sự miễn là họ
ủng hộ các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Mỹ. Gần đây sau sự kiện 11/9,
Mỹ bị chỉ trích về việc đối xử với những kẻ bị tình nghi khủng bố và một số vụ
lạm dụng tù nhân của quân đội Mỹ trong chiến tranh I-rắc. Ranh giới các quyền
trong các trường hợp xung đột liên quan đến khủng bố – những kẻ rút cục chỉ cố
gắng để phá hoại quyền của mọi người – vẫn đang được tranh luận ở các xã hội
văn minh.
Một số nhóm bày tỏ quan ngại về hình phạt tử hình, sự
hiện diện pháp lý đầy đủ trong các vụ án tử hình, cũng như số lượng nam giới là
người thiểu số bị tù vì các tội hình sự. Đã có các tranh luận về việc những
người bị kết án sau khi mãn hạn tù bị tước quyền công dân, và có cả các cuộc
thảo luận về những nhóm sắc tộc thiểu số. Một lần nữa người ta lại nhận thấy
sức mạnh của một ý tưởng – ví dụ ý tưởng về sự bình đẳng – tạo ra một cuộc
tranh luận không ngừng.
Những
hành động tích cực
Mặc dù vậy, Mỹ cũng có nhiều thành tích về những hành
động quốc tế tích cực nhân danh nhân quyền. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất,
Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc và bảo vệ
người thiểu số của cộng đồng quốc tế. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Mỹ đổ
nhiều công sức, tiền của để duy trì và tái thiết nền dân chủ ở châu Âu và xây
dựng nền dân chủ ở Nhật Bản. Mỹ đi tiên phong trong quá trình phi thực dân hóa,
trao trả độc lập cho Phi-líp-pin năm 1946. Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh
Lạnh, Mỹ nổi lên là nước đi đầu trong các sáng kiến đa phương về nhân đạo và
nhân quyền ở Xô-ma-li, Su-đăng, Hai-i-ti, Bosnia và nhiều quốc gia khác.
Báo
cáo Quốc hội
Theo luật, Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm phải trình lên
Quốc hội một số báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền như sau:
· Báo cáo tình hình nhân quyền các nước đánh giá chi
tiết tình hình nhân quyền ở các nước trên thế giới.
· Ủng hộ Nhân quyền và Dân chủ mô tả những việc mà
Chính phủ Mỹ đang làm để giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền nêu trong báo cáo
tình hình nhân quyền các nước.
· Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế đánh giá mức độ tự do
hành đạo của người dân.
· Báo cáo về nạn Buôn người điều tra hình thức nô lệ
thời hiện đại. Sau khi hoàn thiện, các báo cáo này được trình lên Quốc hội và
đưa lên Internet phổ biến trên khắp thế giới.
Ở bên ngoài, việc Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương và
luôn cho mình là đúng đôi khi gây nên oán giận, ngay cả ở những nước chia sẻ
những giá trị trụ cột trong các chính sách của Mỹ. Không khó để chỉ ra nơi mà
những lý tưởng của Mỹ thất bại. Tuy nhiên, nước Mỹ ngày nay cũng như trong hai
thế kỷ trước vẫn là nước lãnh đạo thế giới trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền
đang tiếp diễn. Mặc dù được chấp nhận rộng rãi, nhưng cuộc đấu tranh để thực
hiện những ý tưởng đó vẫn đang diễn ra trên toàn cầu.