Bón ximăng vào lúa, lợi trước mắt, hại lâu dài?

Dư luận đang tranh cãi xôn xao chuyện nông dân dùng ximăng làm phân bón lúa. Họ cho rằng ximăng giúp cây lúa tươi tốt, năng suất cao hơn. Các nhà khoa học nói gì?
Nông dân khi phải tự mày mò cách cải thiện chất lượng lúa 
Nông dân khi phải tự mày mò cách cải thiện chất lượng lúa 
Ý kiến của đa số các bạn đọc đều chia sẻ với nông dân khi phải tự mày mò cách cải thiện chất lượng lúa mà không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà khoa học hay các nhà kinh tế. 
Nông dân dùng ximăng làm phân bón lúa, lợi trước mắt, hại lâu dài?
Tốt trước mắt, hại lâu dài
Theo PGS.TS Nguyễn Như Hà - trưởng bộ môn Nông hóa, khoa Tài nguyên và Môi trường, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, xi măng không có chất dinh dưỡng gì giúp cây lúa có năng suất cao hay chất lượng tốt hơn, chỉ có thành phần canxi là có thể có tác dụng khử chua.  
TS Võ Thái Dân, ĐH Nông Lâm cho biết xi măng lấy từ đá vôi và có canxi, lân trong thành phần cấu tạo và  trong vùng đất phèn, thành phần vôi trong xi măng sẽ giúp nâng độ pH trong đất lên.
Tuy nhiên, theo TS Võ Thái Dân, nếu chỉ là các thành phần như nêu trên thì tốt, còn nếu trong xi măng có thêm những thành phần khác thì cần phải xem lại.
Cụ thể hơn, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết dùng xi măng làm phân bón lúa có thể tốt trong trước mắt nhưng về lâu dài lại gây hại cho đất.
“Sau một thời gian đất ở đó sẽ không trồng được gì nữa”- PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng cảnh báo.

Phân tích chi tiết, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nói về lâu dài, xi măng sẽ làm gắn kết các thành phần của đất lại với nhau, phá vỡ cấu trúc đất như tính chất giữ nhiệt, giữ ẩm, giữ nước, giữ phân bón của đất. Từ đó, đất ở những khu vực này sẽ bị chai cứng và rất khó cải tạo.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, thay vì dùng xi măng, người nông dân có thể sử dụng canxi, phân hữu cơ để bón để đảm bảo an toàn cấu trúc đất canh tác.
“Tiếp tục sử dụng thì cứ năm này qua năm khác sẽ hình thành những mảng bê tông dưới đất thì làm sao có thể nói cách này tốt được? Không một nhà khoa học nào khuyến cáo người nông dân dùng xi măng như phân bón”- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng khẳng định.
Chia sẻ lại câu chuyện kinh nghiệm từ việc sử dụng xác mắm (xác sau khi làm nước mắm) của người nông dân Đà Lạt trước đây, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh không nên sử dụng xi măng làm phân bón lúa, dù cái lợi nhìn thấy trước mắt nhưng lâu dài sẽ thiệt hại lớn.
“Trước đây người nông dân Đà Lạt trồng rau có sử dụng xác mắm như một loại phân bón. Trong xác mắm có muối, natri nên ban đầu thấy tốt cho rau. Sau đó, những khu vực đất canh tác sử dụng xác mắm bị chai cứng. Người nông dân phải cào lớp đất mặt đó bỏ đi”- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Như Hà cho rằng xi măng có thể có những tác dụng phụ ban đầu giúp chất lượng cây trồng có vẻ như được cải thiện, tuy nhiên về lâu về dài thì nó sẽ gây hại đất.
“Xi măng được tạo ra vì mục đích công nghiệp mà lại được dùng cho nông nghiệp thì không đúng mục đích, không đem lại ích lợi gì mấy mà còn có thể gây hại về lâu về dài” - PGS.TS Nguyễn Như Hà nói.
Nên mua phân bón từ những địa chỉ tin cậy
Theo PGS.TS Nguyễn Như Hà, các đơn vị sản xuất phân bón chuyên nghiệp và đáng tin cậy đã nghiên cứu ra những sản phẩm phân bón có chất lượng thì người nông dân nên chọn những sản phẩm đó để sử dụng.
“Bà con nông dân tốt nhất cứ chọn nơi tin cậy mà mua. Người ta đã sản xuất ra phân bón để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây kèm với hướng dẫn sử dụng kỹ càng nên không việc gì mình phải lấy xi măng mà bón, vừa chưa chắc có lợi ích gì vừa có hại cho đất. Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy thương người nông dân không được cung cấp đầy đủ kiến thức, lại bị giới hạn về mặt tài chính nên hay có những “sáng chế” rất lạ đời như vậy” - PGS.TS Nguyễn Như Hà chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Như Hà cũng cho rằng, quan trọng nhất là người nông dân phải biết bón phân theo yêu cầu cụ thể của từng loại cây, phải biết cây cần chất gì và cung cấp đủ chất đó chứ cũng không nên bón thừa.
Nhiều nông dân có thói quen thích sử dung đồ rẻ nên thường mua phân bón có giá thành thấp, chưa rõ nguồn gốc hay có hàm lượng chất dinh dưỡng không cao. Theo PGS.TS Nguyễn Như Hà thì điều đó là không nên vì rất dễ có nguy cơ mua nhầm hàng giả và hàng kém chất lượng.
“Bà con nông dân ham rẻ mà sử dụng phân bón không đảm bảo hàm lượng chất dinh dưỡng khiến cho cây lúa không được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết, rồi có khi lại thành đắt hơn” - PGS.TS Nguyễn Như Hà chia sẻ.
Đừng vì lợi trước mắt
Các bạn đọc cho rằng, hiện nay “phân bón giả tràn lan lại đắt đỏ, người nông dân lại không có được khuyến cáo nên làm như thế nào” nên phải “tự xoay sở, nghiên cứu, thử nghiệm những cách làm mới”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn đọc cho rằng người nông dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài.
Bạn đọc Nông Dân phân tích xi măng có thể đem lại một vài lợi ích ban đầu, “nhưng nhiều lần bón xi măng như vậy sẽ làm cho đất bị chai đi, phù sa không được trộn với đất nữa, hậu quả rất khó đoán trước”.
Một bạn đọc cũng cho ý kiến: “Có rất nhiều mô hình tiến bộ hiện nay được nhà nông áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Những phát minh, sáng kiến của nhà nông là rất đáng ghi nhận và khích lệ. Tuy nhiên nó phải phù hợp với điều kiện an toàn cho người sử dụng và đảm bảo sử dụng tài nguyên đất hiệu quả bền vững cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường”.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.