Vẫn thu phí lòng đường, hè phố
Với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phí và lệ phí vào chiều 25-11, cho phép thu phí sử dụng lòng đường, hè phố, cho dù trước đó một số đại biểu Quốc hội không đồng tình.
Quốc hội biểu quyết cho phép thu phí sử dụng lòng đường, hè phố - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu trước Quốc hội rằng việc thu loại phí này là phản văn minh.
Công cụ quản lý đô thị
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận: “Đúng như ý kiến ĐBQH, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố”.
“Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách Nhà nước khá lớn của nhiều đô thị.
Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật” - báo cáo viết.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay người dân đã nộp thuế cho Nhà nước, do đó đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí. Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế là khoản thu bắt buộc mang tính không hoàn trả trực tiếp.
Nhà nước sử dụng nguồn thu thuế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường sá, cầu, cống...), xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công trình phúc lợi văn hóa xã hội...) để phục vụ toàn xã hội và trang trải chi phí cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Trong khi đó, phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp; các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trực tiếp thì mới phải trả phí, lệ phí.
Do đó, việc sử dụng nguồn thu từ thuế là khoản thu để phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội để bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ cho một số tổ chức, cá nhân là không đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân không được sử dụng dịch vụ. Đồng thời, việc phải nộp phí và lệ phí là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực Nhà nước.
Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử
Cùng ngày, với việc thông qua Luật tạm giữ, tạm giam, Quốc hội đã thừa nhận quyền bầu cử của những người chưa bị kết án.
Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân quy định người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.
Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Luật tạm giữ, tạm giam đã dẫn chiếu quy định này.
Liên quan đến ý kiến cho rằng biện pháp kỷ luật “cùm một chân” là quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: “trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ”.
“Quy đinh này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên”.
Do đó, Luật tạm giữ, tạm giam đã quy định biện pháp kỷ luật bằng hình thức cùm một chân.
0 nhận xét