Chẳng lẽ chỉ biết than khóc khi học sinh chết đuối?
Sau 9 cái chết thương tâm của các em học sinh khi tắm trên dòng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), và trước đó những vụ đuối nước liên tục xảy ra, nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề rằng: chẳng lẽ bó tay với vấn nạn này?
Người thân của các học sinh đuối nước ở Quảng Ngãi khóc nức nở khi nhận được hung tin - Ảnh: Trần Mai |
Chuyên mục Góc nhìn bạn đọc kỳ này Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết chia sẻ kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa những trường hợp tương tự của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công.
Theo anh Công, việc cần thiết hiện nay không phải là tìm ra nguyên nhân mà là tìm ra giải pháp trực tiếp, gốc rễ để hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở VN.
Dưới đây là chia sẻ của tác giả:
“Vụ 9 em học trò chết đuối đau xót xảy ra ngày 15-4-2016 (tại sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) khiến cả nước ai cũng bàng hoàng, xót xa.
Không thể tin nổi, 9 em học sinh còn quá trẻ, đang tuổi chơi, tuổi học đã vĩnh viễn ra đi. Đau xót nhất chính là những người thân trong gia đình các em, tiếp đến là các thầy cô, bạn bè, hàng xóm.
Có lẽ việc cần thiết hiện nay không phải là tìm ra nguyên nhân mà là tìm ra giải pháp trực tiếp, gốc rễ để hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở VN, trong khi nhiều nguy cơ hằng ngày, hằng giờ có thể cướp đi mạng sống của những người trẻ nhất là các em học sinh.
Điều tôi ước cũng như bao phụ huynh khác, rằng: Giá như tất cả các học sinh đó đều biết bơi thì chắc chắn không bao giờ xảy ra sự vụ đau lòng này. Điều thứ hai là: Các em học sinh VN ngay từ năm đầu tiểu học được học môn đầu tiên là bơi lội thì có lẽ hiếm khi xảy ra các vụ đuối nước.
Chúng ta sẽ không quá đau lòng bởi con số mỗi năm mà Bộ LĐ-TB&XH công bố: “VN là nước có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm”.
Mời bạn đọc xem clip cảnh báo nguy cơ đuối nước ở trẻ em mùa nắng nóng - Nguồn: Phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ
|
Mỗi một khóa học kỹ năng, các em được học thêm rất nhiều thứ, như: rèn luyện kỷ luật, nếp sống chính quy, gọn gàng, cách giao tiếp ứng xử… Hiện nay, nhiều gia đình, nhiều trường học khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học thêm kỹ năng sống. Rất nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng cho các lứa tuổi. Tuy nhiên, cách làm này có thiết thực hay không? Tôi nghĩ là chưa hiệu quả lắm, thậm chí có nơi đào tạo còn vô bổ.
Đúng là các em có những thay đổi rõ rệt nhưng chỉ là nhất thời, là cưỡi ngựa xem hoa.
Dưới góc độ là người nghiên cứu về tâm lý, tôi khẳng định rằng: Cái mà các em học được hiện nay là không bền vững, chạy theo phong trào, học cho vui, cho biết.
Ai cũng biết rằng đạo đức là phải được hình thành từ nhỏ, phải luyện tập thường xuyên, được cha mẹ rèn giũa, uốn nắn, chỉ bảo thì mới có thể nhận thức đúng về đạo đức và có những hành vi đạo đức phù hợp. Chứ không có chuyện là từ một học sinh ngỗ ngược, nghịch ngợm sau một tuần hay mười ngày là trở thành một học sinh ngoan. Cái đó là vô nghĩa.
Thời điểm hiện tại là ngoan nhưng sau đó, điều kiện cũ, môi trường cũ, phương pháp cũ thì tính cách, thói quen xấu vẫn lặp lại, đâu vẫn hoàn đó. Hoặc, lối sống kỷ luật, gọn gàng, ngăn nắp cũng vậy.
Một người lính được rèn luyện ròng rã 2 năm trời mới có thể có được thói quen là gấp chăn màn đẹp, ngủ dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục... Còn chỉ vài ngày mà người lớn kỳ vọng có được điều tốt đẹp thì chỉ là ảo tưởng.
Hơn nữa, đạo đức cũng dễ bị thay đổi từ xấu thành tốt, thói quen cũng không bền vững được khi điều kiện mới thay đổi nhưng nếu các em có được kỹ năng bơi lội thì đó là kỹ năng bền vững nhất, vài tháng không bơi hoặc vài năm không bơi nhưng đã biết bơi thì xuống nước vẫn có thể bơi lội bình thường.
Vậy, trong những khóa học kỹ năng này, việc đầu tiên chúng ta hãy dạy cho các em học bơi cũng như cách bảo vệ an toàn cho mình cũng như cho người khác. Cái này mới thật là hữu ích. Bởi cả thành thị và nông thôn đều có nguy cơ trẻ bị đuối nước và địa phương nào ở nước ta cũng có nhiều ao hồ, sông, suối. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể quản lý được tất cả hoạt động của trẻ ngoài phạm vi nhà trường. Vì thế mà trang bị cho các em cách bảo vệ an toàn là rất cần thiết trước hết là kỹ năng bơi lội.
- Đầu tiên là cần phải dạy các em kỹ năng xử lý trong trường hợp cần thiết nhất là khi gặp người khác đang bị đuối nước, như dùng dây, quần áo nối lại, cây, cọc để có thể kịp thời đưa người bị đuối nước vào bờ (nếu như trong trường hợp đó mà chạy đi tìm người cứu thì có thể muộn màng).
- Tuyệt đối, nếu không biết bơi thì không được lội ra chỗ nước sâu để cứu người khác, không khéo có thể bị người đang đuối nước ôm chặt và cùng đuối nước.
- Cần phải học cách sơ cứu khi gặp tình huống người bị đuối nước được đưa lên bờ, như dùng tay nhấn vào ngực để ép nước ra ngoài, hoặc dốc ngược người bị đuối nước xuống, cầm hai chân xốc đều đặn cho nước ra…
- Bản thân các em biết bơi cũng phải có kỹ năng bảo vệ an toàn khi gặp tình huống khẩn cấp, như cách đưa người đang bị đuối nước vào bờ, cách tạo ra các phương tiện hỗ trợ khi gặp khó khăn trong quá trình bơi. Có những người đi sông nhiều năm, họ đâu phải lúc nào cũng dùng phao?
Thực tế, trong trường hợp khẩn cấp khi bơi, những người có kỹ năng khi không có phao thì có thể dùng áo, quần, mũ, cây… làm phao để hỗ trợ.
Chẳng hạn, dùng quần dài quấn chặt hai đầu ống quần sau đó chụp xuống nước thì chiếc quần trở thành chiếc phao tạm thời giúp người bơi không phải tốn sức, hoặc dùng nón, mũ cứng úp xuống nước, hai tay giữ hai bên không cho khí lọt vào, khi đó thì nón, mũ trở thành túi khí hiệu quả, người bơi chỉ cần vịn vào nó và giữ cân bằng là có thể vượt qua những đoạn sông suối hoặc ít ra cũng cầm cự trong thời gian nhất định.
Như vậy, giải quyết được vấn đề này là trách nhiệm chủ yếu nhất vẫn là gia đình và nhà trường. Mỗi gia đình cần phải có kế hoạch dạy bơi cho con ngay từ nhỏ. Ở nhà trường, ngành giáo dục cũng cần nghiên cứu nên bổ sung nội dung bơi lội vào chương trình học hoặc là mở các lớp huấn luyện bơi lội bắt buộc với tất cả học sinh và phải có đội ngũ thầy cô có chuyên môn tốt để hướng dẫn, giúp đỡ.
Đó là cách bảo vệ an toàn tốt nhất, tránh những trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra”.
0 nhận xét